Đối thoại với nền văn minh cổ Champa
TS. Lê Đình Phụng - Trưởng phòng Phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học. Sau hơn 30 năm nghiên cứu về nền văn hóa Champa, với lòng yêu nghề mặc dù lúc đất nước còn khó khăn, mỗi chuyến công tác là những cuộc vật lộn gian khổ kéo dài nhưng bù lại được nhìn những kiến trúc tháp sừng sững, những tượng điêu khắc đá đẹp như mơ hay những trang sử đá chữ viết khác lạ khiến cho những khó khăn, gian khổ ấy của tác giả biến mất, với niềm đam mê đã thôi thúc tác giả luôn tìm hiểu, tự đặt ra những câu hỏi và tự tìm kiếm câu trả lời, cùng với sự học hỏi, đốic hiếu, so sánh với nhiều công trình nghiên cứu khác đã được xuất bản về nền văn hóa champa để đưa ra những vấn đề còn chưa có lời giải thỏa đáng về nền văn hóa này. Tôi xin thay mặt tác giả giới thiệu cuốn sách này đến đông đảo bạn đọc gần xa, đặc biệt cho những ai đang muốn tìm hiểu, quan tâm nghiên cứu đến nền văn hóa champa.
Văn hóa Champa là một nền văn hóa lớn, độc đáo, mang bản sắc riêng, có nhiều đóng góp quan trọng vào văn hóa dân tộc trong lịch sử và tỏa sáng đến ngày nay. Kế thừa từ văn hóa cội nguồn của tộc người và sự tiếp thu hội nhập từ văn minh Ấn Độ đưa lại, người Chăm đã xây dựng và phát triển tạo nên một nền văn hóa rực rỡ có mặt từ Nam đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình) chạy dài theo dải đất miền Trung đến bờ bắc sông Đồng Nai (tỉnh Bình Thuận), lan tỏa lên vùng cao nguyên đại ngàn hùng vĩ cùng hệ thống các đảo ven biển miền Trung.
Nội dung cuốn cách gồm 4 chương:
- Chương 1: Đối thoại với chủ nhân nền văn hóa Champa - Người Chăm
- Chương 2: Đối thoại với lịch sử Champa
- Chương 3: Đối với tín ngưỡng và tôn giáo Champa
- Chương 4: Đối thoại với di sản vật chất Champa